Trường TH Tân Lập phát động thi đua và tuyền truyền 190 năm ngày thành lập tỉnh Hưng Yển, 80 năm ngày thành lập Đảng Bộ tỉnh Hưng Yên, 25 năm ngày tái thành lập tỉnh Hưng Yên
KỶ NIỆM 190 NĂM THÀNH LẬP TỈNH (1831 - 2021), 80 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ (7/1941 - 7/2021) VÀ 25 NĂM TÁI LẬP TỈNH HƯNG YÊN (01/01/1997 - 01/01/2022).
QÚA TRÌNH THÀNH LẬP VÀ MẢNH ĐẤT CON NGƯỜI HƯNG YÊN.
Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía nam giáp tỉnh Thái Bình, phía tây và tây bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Đây là mảnh đất phù sa màu mỡ, đậm nét truyền thống văn hiến của nước ta.
Ngay từ buổi đầu lịch sử thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Hưng Yên đã có sự cư trú của con người. Bằng chứng là các di chỉ, di tích còn lại đã được khai quật như mộ cũi ở An Viên (huyện Tiên Lữ), mộ thuyền tại Đống Lương (huyện Kim Động) cùng truyền thuyết về Chử Đồng Tử - Tiên Dung…
Về hành chính, vùng đất này vốn thuộc bộ Dương Tuyền thời Hùng Vương; huyện Chu Diên thời Bắc thuộc; phủ Thái Bình thời Ngô, Đinh và Tiền Lê; Khoái Lộ và Đằng Lộ rồi Khoái Châu và Đằng Châu thời Lý; lộ Long Hưng và lộ Khoái Châu thời Trần; dưới thời thuộc Minh, Hưng Yên thuộc phủ Kiến Xương.
Hưng Yên nằm giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với địa hình nghiêng chênh chếch từ tây bắc xuống đông nam và không bằng phẳng. Là tỉnh có độ cao trung bình so với mặt nước biển là 4m, nơi cao nhất là xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) +8m80, nơi thấp nhất là xã Hạ Lễ (Ân Thi) +2m40. Địa hình trên ảnh hưởng rõ rệt đến việc canh tác. Trước kia thường xuyên xảy ra hạn hán và úng ngập. Vùng cao không giữ được nước, trong khi vùng thấp lại tiêu nước không kịp trong mùa mưa. Hiện nay, Hưng Yên đã xây dựng một mạng lưới thủy lợi dày đặc để kịp thời giải quyết những khó khăn do địa hình gây ra, bảo đảm cho việc sản xuất quanh năm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán và úng lụt.
Toàn tỉnh có 54.452,09 ha đất sản xuất nông nghiệp chiếm 58,54% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó đất trồng cây hàng năm 41.498,01 ha, đất trồng lúa 37.540,62 ha, đất trồng cây lâu năm 12.954,08 ha; đất nuôi trồng thủy sản 5.081,06 ha([5]). Quỹ đất nông nghiệp Hưng Yên còn nhiều tiềm năng để khai thác, tăng vụ.
Cũng như các tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên chịu ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nhiều nắng và có mùa đông lạnh. Hàng năm có hai mùa nóng và lạnh rõ rệt. Hưng Yên thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm 2015 là 24,90C, nhiệt độ cao nhất 30,70C, thấp nhất 17,60C. Lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.514,8 mm. Số giờ nắng trung bình năm khoảng 1.444,3 giờ (120,35 giờ/tháng)
Về đường bộ, Quốc lộ 5A (đoạn dài 23 km), 5B (đường cao tốc) chạy qua địa phận Hưng Yên. Đường 39A từ Phố Nối qua Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động tới thành phố Hưng Yên, qua cầu Triều Dương sang Thái Bình. Đường 38B từ phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) đi qua Tiên Lữ, Phù Cừ tới cầu Tràng sang Hải Dương. Đường 38 từ thành phố Bắc Ninh đến Quán Gỏi (Hải Dương) qua thị trấn Ân Thi đến Trương Xá (Kim Động) nối với đường 39A, đi thành phố Hưng Yên qua cầu Yên Lệnh đến Đồng Văn (Hà Nam) thông Quốc lộ 1A (tuyến Bắc - Nam quan trọng nhất của cả nước). Đường 200 từ Giai Phạm (Yên Mỹ) qua thị trấn Ân Thi đến thị trấn Vương tới Hải Triều (Tiên Lữ) gặp đê sông Luộc và đường 39A. Tuyến đường liên tỉnh Dân Tiến - Khoái Châu đi Thanh Trì - Hà Nội. Đó là chưa kể các đường: 99, 179, 195, 199, 201, 202, 204, 205, 206 và hàng trăm km đường đê đã liên kết các xã, các huyện trong tỉnh và hình thành tuyến đường ngắn nhất qua địa bàn Hưng Yên, nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 5A ra thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, tạo sự giao lưu kinh tế giữa Hưng Yên với các tỉnh, đồng thời giải toả mật độ giao thông cao cho Thủ đô Hà Nội.
Về đường sông, sông Hồng và sông Luộc là những đường sông chính của Hưng Yên. Từ thành phố Hưng Yên, tàu thuyền có thể ngược sông Hồng lên Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hoặc xuôi Thái Bình, Nam Định rồi ra biển. Trên sông Luộc, tàu thuyền có thể đi Hải Dương, Hải Phòng. Các sông nhỏ khác trong tỉnh, đặc biệt là công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải đều là những đường giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, lúa, ngô, vật liệu xây dựng...
Giao thông thủy và bộ của Hưng Yên vừa là điều kiện thuận lợi vừa là tiềm năng lớn để Hưng Yên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TỈNH HƯNG YÊN SAU 25 NĂM TÁI LẬP
Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Khi mới tái lập, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của Hưng Yên còn thấp, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng). Giáo dục, y tế còn khó khăn, mức hưởng thụ của nhân dân trong các hoạt động xã hội, dịch vụ còn hạn chế… Nhưng là một tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi, lại có vị trí gần các trung tâm công nghiệp lớn (như Hà Nội, Hải Phòng), nhờ đó, Hưng Yên có thể chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, đặc biệt phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, nhất là thực phẩm tươi sống và chế biến của các thành phố.
Sau 25 năm tái lập tỉnh (1941 - 2021), được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV, XVI, XVII đề ra. Kinh tế tăng trưởng nhanh, hợp tác đầu tư phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, dân chủ trong Đảng và nhân dân được mở rộng; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng chuyển biến tích cực. Vị thế Hưng Yên được khẳng định và nâng cao, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hàng năm đạt mức tăng trưởng khá, bình quân 5 năm (2010 - 2015) đạt 7,8%, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Sau 25 năm tái lập, Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ; kinh tế hàng năm đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 89 lần, thu ngân sách tăng gấp 100 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần so với khi tái lập tỉnh..
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Tính đến hết tháng 3/2016, bình quân toàn tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã, có 35/145 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Công nghiệp tiếp tục phát triển đạt hiệu quả, tăng trưởng bình quân 9,87%; cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có thương hiệu, giá trị gia tăng, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường được giữ vững và phát triển; có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp phụ trợ, công nghệ giá trị gia tăng cao như: phụ tùng ô tô xe máy, dệt may, điện tử, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu. Các khu công nghiệp hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy đạt khá, đóng góp nhiều vào nguồn thu ngoại tệ qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa (như Khu công nghiệp Thăng Long II, Khu công nghiệp Phố Nối A,...). Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Bình quân mỗi năm có khoảng 530 doanh nghiệp mới được thành lập, đến tháng 6/2016 có 6.413 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung cao các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cơ cấu thu hút đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều hơn vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; ưu tiên các dự án sử dụng nhiều lao động nông thôn, có thời gian đào tạo nghề ngắn, để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Khu Công nghiệp Thăng Long II, đã lấp đầy dự án giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn 2 theo mô hình khu công nghiệp hiện đại, đồng bộ.
Văn hoá - xã hội : tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ. Giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực hiện từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì. Toàn tỉnh có 263 trường đạt chuẩn quốc gia. Giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các cấp học; tỷ lệ trên chuẩn cao ở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Là tỉnh thứ 6 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hoàn thành việc chuyển đổi 159/159 trường mầm non bán công sang công lập; là tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II. Học sinh tốt nghiệp các cấp đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ thi đỗ đại học đạt 51%, thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ cao trong cả nước; Đội Robocon của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đạt vô địch thi Robocon trong nước và Châu Á - Thái Bình Dương năm 2015. Có 6 trường cao đẳng, nâng cấp và thu hút thêm 5 trường đại học về tỉnh. Mỗi năm đào tạo trên 1 vạn sinh viên, đào tạo nghề cho hàng vạn lao động, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh và khu vực.
Hoạt động khoa học và công nghệ chuyển mạnh sang thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thiết thực, hiệu quả, đã góp phần tích cực phát triển công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và văn hóa-xã hội. Triển khai 129 đề tài, dự án và hàng trăm sáng kiến khoa học được nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất và đời sống có hiệu quả. Quan tâm xây dựng, đăng ký và bảo vệ thương hiệu những sản phẩm chủ lực của tỉnh, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; các dịch vụ khám, chữa bệnh phổ cập cho toàn dân được chú trọng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trên 60% (theo chuẩn mới); tỷ lệ xã có bác sỹ biên chế tại trạm đạt 65%; tuổi thọ trung bình 74 tuổi; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, sản phụ đều ở mức thấp so với toàn quốc; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức dưới 1%. Đội ngũ thầy thuốc được bổ sung đủ về số lượng và chất lượng được nâng cao. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình. Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.
Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; tăng cường đầu tư thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, truyền thông. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” từng bước đi vào chiều sâu. Tổ chức tốt các hoạt động nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, trong đó có Lễ kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Hưng Yên và Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đầu tư trên 1.000 tỷ đồng xây dựng và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh tới cơ sở; các xã, phường, thị trấn, thôn, làng, khu phố có nhà văn hóa độc lập hoặc chung với các thiết chế văn hóa khác. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được chú trọng; công tác trùng tu, tôn tạo được huy động chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Khu di tích Phố Hiến được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển; thể thao thành tích cao giành được một số giải quốc gia và khu vực. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, xúc tiến du lịch; số lượt khách du lịch đến thăm Hưng Yên bình quân hàng năm đều tăng.
Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy các cấp chú trọng tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết đại hội đảng các cấp; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy gắn với xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện sát thực, đưa nghị quyết vào cuộc sống; tạo được sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng và hệ thống chính trị.
TRUYỀN THỐNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT
Trong quá trình hình thành và phát triển, vùng đất Hưng Yên đã sản sinh ra những con người với những truyền thống tốt đẹp:
Một là, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua khó khăn, gian khổ, đấu tranh không mệt mỏi với thiên nhiên: cải tạo đầm lầy lau sậy, đắp đê chống lụt, làm thủy lợi… biến vùng đất hoang thành ruộng đồng tốt tươi, xóm làng trù phú.
Hai là, truyền thống ham học hỏi, tôn sư trọng đạo, có chí học hành, do vậy thời nào cũng có những người đỗ đạt cao, cống hiến nhiều nhân tài cho đất nước trên mọi lĩnh vực.
Ba là, có lòng yêu quê hương, yêu đất nước nồng nàn và ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương, đất nước, đã làm nên “Bãi Sậy kiên cường”, phong trào Nữ du kính Hoàng Ngân nổi tiếng, những làng kháng chiến kiểu mẫu và “Đường 5 bất khuất”.
Bốn là, quá trình đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên, đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã hình thành và phát triển sự cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết gắn bó, tương thân, tương ái, sống có nghĩa tình, thủy chung, giản dị, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của châu thổ sông Hồng.
Trong suốt 190 năm qua, nhân dân Hưng Yên tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của vùng đất, của miền quê văn hiến. Những truyền thống tốt đẹp đó đã tạo nên sức mạnh nội sinh để Hưng Yên đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực và những thành tựu nổi bật.
Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta vô cùng phấn khởi, tự hào với những kết quả to lớn đạt được trong chặng đường đã qua, đặc biệt trong 20 năm tái lập tỉnh. Với những thành tựu và những kinh nghiệm tích lũy được, với những truyền thống vẻ vang của một vùng đất văn hiến lâu đời, cùng sức mạnh nội lực hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà tăng cường đoàn kết, phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, năng động, sáng tạo, ra sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BTCKN ngày 05/7/2021 của Ban Tổ chức kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831 - 2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7/1941 - 7/2021) và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (01/01/1997 - 01/01/2022); theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi một số khẩu hiệu tuyên truyền sau:
1- Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831 - 2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7/1941 - 7/2021) và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (01/01/1997 - 01/01/2022)!
2- Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831 - 2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7/1941 - 7/2021) và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (01/01/1997 - 01/01/2022)!
3- Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên quyết tâm phấn đấu xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững!
4- Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025!
5- Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Hưng Yên quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng!
6- Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc!
7- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
8- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
9- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!